Cái tên vang bóng một thời nhưng không chết theo bạn cũ, đứng ngoài cuộc chiến của những tay chơi trẻ hôm nay nhưng vẫn giữ được thị phần đáng kể, đó là Miliket - Colusa.
Đã có nhiều thương hiệu Việt vang bóng một thời, khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang hướng thị trường, với nguồn lực yếu hơn hẳn không thể đầu tư để tiếp tục phát triển nên đã dần mai một hoặc bị các doanh nghiệp ngoại thâu tóm. Có thể kể đến như P/S, Dạ Lan, Daso, Ha So, Thorakao. Miliket - Colusa không nằm trong số đó.
|
Miliket vẫn tồn tại và có thị phần ổn định, song sức ép ngày càng gia tăng. |
5% thị phần quý giá
Colusa - Miliket từng được xem là thương hiệu độc quyền trên thị trường mì gói vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Nói đến mì gói vào thời điểm đó, nhiều người vẫn nhớ đến gói mì có hình ảnh 2 con tôm của hãng mì Colusa, sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa - Miliket hay là mì tôm Thiên Hương.
Tuy nhiên, cuộc chơi ngày nay đã hoàn toàn thay đổi. Theo thống kê của hiệp hội Mì ăn liền thế giới, hiện tại Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất nhưng sản lượng chủ yếu tập trung vào các công ty lớn như Vina Acecook, Asia Foods và Masan. Trong đó, Vina Acecook (100% vốn Nhật) đang chiếm khoảng 50% thị trường, Asia Foods chiếm hơn 20%, đứng thứ ba là Masan. Có thể thấy hàng loạt chiến dịch quảng cáo của Vina Acecook, Asia Foods và Masan nhưng hiếm khi thấy hình ảnh Miliket xuất hiện. Vậy nhưng Miliket vẫn có một chỗ đứng khá ổn định trên thị trường.
Báo cáo tổng kết công tác hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket cho thấy, năm 2102 tổng các sản lượng mì gói mà công ty này đưa ra thị trường là 17.484 tấn, với tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Không công bố đơn vị gói, nhưng với sản lượng như trên nếu tính khối lượng một gói mì trung bình là 70 gr thì Miliket đã bán được ít nhất 249 triệu gói.
Với con số này và theo công bố của hiệp hội Mì ăn liền thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012 với sản lượng gần 5,1 tỷ gói (ly) của Việt Nam, thì Miliket chiếm gần 5% thị trường. Điều gì có thể khiến Miliket có thể tồn tại trong một sân chơi cạnh tranh khốc liệt như vậy?
|
Doanh thu và lợi nhuận của Miliket qua các năm. |
Chiến lược giá thấp
Trước hết, Colusa - Miliket đã giữ gần như nguyên vẹn hình ảnh bao bì để khai thác thế mạnh ký ức. Vẫn hình ảnh 2 con tôm chụm đầu vào nhau, vẫn bao giấy giản dị quen thuộc của ngày xưa. Tiếp đến, giá bán của Miliket khá thấp. Hiện một gói mì bao bì giấy Kraff của họ giá khoảng 2.900 đồng/gói 80 gr. Mức giá này gần như là thấp nhất so với sản phẩm của các doanh nghiệp lớn.
Để có mức giá thấp, một trong những chiến lược của Miliket là tối thiểu hóa chi phí. Theo báo cáo của công ty, việc thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao nhiêu liệu, tăng thu hồi thành phẩm đã giúp họ tiết kiệm được gần 4,5 tỷ đồng trong năm 2012.
Đây cũng là lý do vì sao Miliket không sử dụng các chiến dịch truyền thông. “Cách truyền thông của Miliket là không cần phải tốn nhiều tiền. Đó là quảng bá chủ yếu trực tiếp vào người tiêu dùng bằng những hoạt động cụ thể như tham gia hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt về nông thôn, trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua nhân viên bán hàng tại các chợ bán lẻ, chợ đầu mối và các đại lý”, ông Nguyễn Văn Út, Tổng giám đốc công ty Colusa - Miliket cho biết.
Để giữ thị phần, Miliket chấp nhận một tỉ suất lợi nhuận rất thấp. Năm 2012, lợi nhuận công ty chỉ đạt 31,2 tỷ đồng trên tổng doanh thu 540 tỷ đồng. Thực tế, kết quả kinh doanh những năm qua của công ty này cũng cho thấy, mặc dù sản lượng tiêu thụ của Miliket tăng lên nhưng lợi nhuận lại không tăng với tỷ lệ tương xứng.
Ngoài giá thấp, cũng như nhiều doanh nghiệp Việt khác, mở rộng thị trường nông thôn và mở rộng ra phía Bắc cũng là hướng đi được Miliket lựa chọn. Cụ thể, theo báo cáo của Miliket, một trong những công tác thị trường ưu tiên năm 2013 của công ty là tăng sản lượng, doanh số tại các khu vực vùng sâu vùng xa.
Tồn tại được bao lâu?
Miliket vẫn tồn tại và có thị phần ổn định, song sức ép đang gia tăng ngày càng khốc liệt, nên chiến lược này chỉ có thể thích hợp cho một giai đoạn nhất định.
“Phân khúc mà Miliket tham gia có lợi nhuận thấp nên những ông lớn khác chưa muốn chen chân vào, nhưng không ai có thể bảo đảm Miliket có thể giữ vững vị trí. Cạnh tranh khốc liệt cộng với sự khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp quay lại nhòm ngó phân khúc giá rẻ. Do đó, thị trường mà Miliket tham gia thực sự cũng rất rủi ro”, ông Đỗ Hòa, CEO kiêm chuyên gia tư vấn của công ty IME Việt Nam, nhận định.
Điều này đã bắt đầu diễn ra trên thực tế. Sau khi tham gia thị trường mì gói với dòng sản phẩm ở phân khúc cao cấp là Omachi, Masan đang tấn công sang dòng mì gói ở phân khúc bình dân như mì Kokomi, Tiến Vua...
Theo một chuyên gia trong ngành, xu hướng phát triển là các công ty mì gói sẽ tập trung vào chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm với mì gói, mì ly, mì tô, mì không chiên, mì tươi.
Có lẽ như ban lãnh đạo Miliket đã nắm bắt được xu hướng phát triển này của thị trường mì gói nên đã có những chiến lược mới trong việc đa dạng hóa sản phẩm. Hiện tại bên cạnh dòng sản phẩm mì gói, Miliket đang phát triển mạnh thêm những sản phẩm từ gạo như phở ăn liền, hủ tiếu ăn liền. “Cạnh tranh trong ngành diễn ra rất gay gắt, nhưng các sản phẩm chế biến từ gạo phục vụ cho thị trường nội địa vẫn còn rất lớn”, ông Út cho biết.
Ngoài ra để tăng tính cạnh tranh, giảm áp lực ở thị trường nội địa Miliket cũng đang đẩy mạnh việc xuất khẩu. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2013 của Miliket, tổng sản lượng xuất khẩu mục tiêu đặt ra là 1.800 tấn, chiếm 10% tổng sản lượng.